Giấc mơ - bài dự thi "Người Việt Nam mong đợi gì nơi các trường đại học"

Tôi đã khá do dự khi bắt đầu viết những dòng đầu tiên này, đơn giản là viết để làm gì? Nhưng đây là đúng là một câu hỏi hay “Người Việt Nam mong đợi gì ở các trường đại học”. Nó khiến cho tôi suy nghĩ khá nhiều và rồi tôi cũng mạo muội gõ gõ viết viết những suy nghĩ không mấy hay ho của mình về đề tài này. Mong rằng những dòng sau sẽ không làm các bạn buồn chán đến độ không muốn đọc hết.

Trước hết chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều công nhận rằng đại học là nơi đào tạo tri thức cao nhất của xã hội. Sự phát triển của các trường đại học, sẽ góp một phần rất lớn cho việc phát triển xã hội, hay nói cách khác là sự phát triển của các đại học có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của cả một quốc gia.

Tại Việt Nam, nơi mà các trường đại học gần như sẽ là con đường duy nhất để gặt hái thành công mà chúng ta phải bước qua. Thậm chí đã có nhiều bạn trẻ vì không đậu vào các đại học mà đâm ra chán nản và hỏng cả cuộc đời. Nhưng liệu đã có mấy ai trong họ tự đặt câu hỏi: “Tôi sẽ có gì khi học đại học?”. Hay họ chỉ thấy le lói nơi cuối con đường một tấm bằng của đại học ABC, với xếp loại XYZ.

Vậy chúng ta có đòi hỏi gì nơi các trường đại học, khi mà bây giờ mọc lên nhiều như nấm sau cơn mưa?

Trước hết theo tôi đại học cần có một nền giáo dục đại học đúng nghĩa. Đại học sẽ không là một lớp 13 hay 14 như nhiều người đã mỉa mai đặt tên cho nó. Đại học phải là nơi chúng ta có thể phát triển được tư duy của mình một cách độc lập. Sẽ không còn cảnh phải học thuộc lòng những ý phân tích của giáo viên về một tác phẩm văn học hay một sự kiện lịch sử nào đó. Tại đó tôi có quyền được suy nghĩ theo ý mình và sử dụng những gì tôi biết để bảo vệ suy nghĩ đó. Theo tôi đó là một điều kiện đầu tiên của một nền giáo dục đại học đúng nghĩa.

Cũng tại đại học, các bạn sinh viên sẽ phải tập làm quen với hình thức tự học. Tự học không có nghĩa là bạn chỉ ở nhà, cầm sách đọc & cố gắng hiểu chúng. Phải có một điều gì đó khác để làm nên đại học chứ? Nếu chỉ tự học ở nhà thì đã chẳng tồn tại các trường đại học. Cũng đáng buồn là hiện nay khá nhiều sinh viên không hề muốn lên lớp để học, phần vì khả năng yếu kém về giảng dạy của giảng viên nhưng đa phần là vì những gì dạy tại lớp, họ có thể chỉ ở nhà và vẫn học tốt.

Trong quá trình học tại Hoa Sen, tôi đã may mắn khi gặp được rất nhiều người thầy có tâm huyết với việc giảng dạy, họ sẵn sàng đầu tư thời gian để chuẩn bị bài giảng thật tốt, để có thể mang lại cho sinh viên những kiến thức quý giá mà không phải sách vở nào cũng có, sẵn sàng giải đáp rất tận tình các thắc mắc của sinh viên dù không phải trong giờ học. Những giảng viên thực tâm với nghề, luôn sẵn sàng giúp đỡ sinh viên của mình là một điều mà không chỉ nền giáo dục đại học mà tất cả các bậc học đều muốn có. Tuy nhiên xét với tình hình Việt Nam hiện tại chúng ta vẫn đang buộc phải chấp nhận tình trạng “cử nhân đào tạo cử nhân”, hoặc cho dù giảng viên có bằng cấp cao hơn nữa thì hoặc là không còn chịu tập trung nghiên cứu mà chạy
“sô” với các lớp học, họ không còn quan tâm nhiều tới việc làm sao giảng dạy cho sinh viên cách tốt nhất, không còn nhớ tới sự thiêng liêng trong nghề nghiệp mà họ chọn. Tôi có một quãng thời gian ngắn học tại RMIT Vietnam, điều làm tôi ấn tượng nhất không là cơ sở vật chất của trường, cũng không phải là môi trường tiếng Anh, mà trên hết là các giảng viên của họ. Các lớp học không quá đông sinh viên và các giảng viên có thể quan tâm tới từng sinh viên một, họ luôn cố gắng nỗ lực giúp đỡ, tìm mọi giải pháp để giúp sinh viên học tốt nhất. Nói cách khác theo tôi, giảng viên sẽ là một trong những mắt xích quan trọng nhất tạo nên giá trị cho giáo dục đại học (chỉ sau đối tượng sinh viên).

Các trường đại học Việt Nam hiện tại đều đang cố gắng để có thể có được cơ sở vật chất tốt nhất (điều này đi cùng với việc học phí ngày càng tăng theo thời gian). Vậy nhưng, phải chăng cơ sở vật chất tốt là một điều thiết yếu của nền giáo dục đại học, hay theo một cách nói khác trường đại học tốt là một trường có cơ sở vật chất tốt, hiện đại, đáp ứng được với nhu cầu của sinh viên. Bạn có thể học tại phòng máy lạnh, học thông qua máy chiếu... nhưng lại không có đổi mới trong cách giảng dạy, hoặc các sinh viên không muốn học. Như đã đề cập ở trên, đại học là nơi đào tạo tri thức cao nhất của xã hội, như vậy thì đồng nghĩa với điều đó, đại học cũng phải là một nơi có được môi trường học tập tốt nhất của xã hội. Vâng theo tôi, không phải là cơ sở vật chất mà là môi trường học tập tốt mới chính là một yếu tố tạo nên nền giáo dục đại học thực sự. Hãy thử mơ về một nơi mà bạn luôn có cảm hứng để học tập, nghiên cứu, đâu đâu cũng gặp cảnh các sinh viên đang nghiên cứu, học nhóm, thay cho hình ảnh Facebook, game luôn hiển hiện trên màn hình máy tính như hiện tại. Xin các trường đại học hãy dành nhiều phòng hơn nữa cho các sinh viên có thể tự học, hãy dành nhiều ngân sách hơn cho việc phát triển mở rộng các thư viện, và các hệ thống giúp đỡ sinh viên tự học tốt hơn như E-learning, hoặc Blackboard.

Nhân nói về môi trường học tập, tôi cảm thấy một môi trường tốt còn là một nơi bạn được tự nguyện chọn lựa việc học của mình. Điển hình rõ nét, cách đây vài hôm tôi tình cờ đọc được bài báo viết về việt một trường đại học nọ vừa trang bị hệ thống điểm danh sinh viên thông qua vân tay. Tại sao lại phải bắt ép sinh viên đến lớp với quy định vắng 30 % số tiết học sẽ không được phép thi kết thúc môn. Tại sao lại để cho các sinh viên không muốn học gây mất tập trung cho những sinh viên đang chăm chú lắng nghe? Tại sao ...? Tại sao vậy ??? Việc các sinh viên không muốn tham dự các giờ học phải chăng chỉ là lỗi của sinh viên, hay phảng phất đâu đó là những giờ học chán nản, khô cứng và không thực tế ?

Lại nói về sinh viên, mắt xích quan trọng nhất trong giáo dục đại học. Các trường đại học phải chăng đã cung cấp đủ các kỹ năng cho họ đặc biệt là kỹ năng học tập và nghiên cứu tại trường đại học. Một số lượng lớn sinh viên thực sự đang là các học sinh lớp 13, 14 khi mà cách học tập của họ chẳng khác những gì họ đã thực hiện trong suốt 12 năm trước đó là mấy. Theo tìm hiểu của riêng tôi, ở một vài trường học đơn cử Hoa Sen, ĐH Mở,... sinh viên năm nhất đã được tiếp cận với môn phương pháp học đại học. Nhưng chúng hình như vẫn còn mang nặng khá nhiều lý thuyết và chưa thực sự có ích được như chính tên gọi của nó. Chúng tôi, các sinh viên mong muốn trước hết, được biết rằng mình nên học như thế nào, học ra sao cho phù hợp với nền giáo dục đại học.

Tuy vậy, cũng khó trách được các trường đại học, khi mà họ không được quyền tự chủ. Trường đại học trong mơ của tôi là một trường được tự quyết định lấy số phận của họ, cách họ tuyển sinh, lộ trình học... tất cả sẽ là của riêng họ. Và xã hội sẽ chính là người đánh giá các trường thông qua kết quả của các sinh viên tốt nghiệp. Sẽ không còn có sự phân biệt trường công hay tư thục. Quay lại cùng thực tại, tôi tin rằng trong tương lai, các trường đại học sẽ có được quyền tự chủ cao hơn và họ sẽ phát triển các đại học theo chiều hướng tốt nhất có thể.



Tóm lại như tiêu đề của bài viết, tôi biết đang mơ, mơ về một đại học có được một giá trị đại học đích thực và không chỉ thế tôi còn mơ về một Việt Nam có thể đứng ngang hàng được với các cường quốc trên thế giới. Có thể bạn nghĩ rằng chúng thật hão huyền, nhưng tại sao chúng ta lại không cùng nhau thực hiện để biến giấc mơ đó thành hiện thực ! Tôi sẽ tiếp tục mơ và hành động, còn bạn ?!

Cho tôi một vé đi đại học mơ ước !


Thân chào,
NDT

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hướng dẫn viết báo cáo theo chuẩn báo cáo của trường đại học Hoa Sen

Dịch tài liệu PDF giữ định dạng tự động

Peter và sợi dây thần